Trong sản xuất xây lắp, do đặc điểm sản phẩm có tính đơn chiếc nên đối tượng hạch toán chi phí sản xuất thường là theo đơn đặt hàng hoặc cũng có thể đó là một hạng mục công trình, một bộ phận của một hạng mục công trình, nhóm hạng mục công trình, một ngôi nhà trong dãy nhà.
1. Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
1.1. Các chi phí về nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho thi công xây lắp
– Vật liệu xây dựng: Là giá thực tế của cát, đá, sỏi, sắt, thép, xi măng,…
– Vật liệu khác: Bột màu, dao, đinh, dây,…
– Nhiên liệu than củi dùng để nấu nhựa rải đường, oxy để hàn,…
– Vật kết cấu: Bê tông đúc sẵn,….
– Thiết bị gắn liền với vật kiến trúc như: thiết bị vệ sinh, thông gió, ánh sáng, thiết bị sưởi ấm,… (Kể cả công xi mạ ,bảo quản thiết bị).
1.2. Các hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến NVL trực tiếp: TK 621
– Khi xuất nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ trong kỳ, ghi:
Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
-. Trường hợp mua nguyên liệu, vật liệu sử dụng (Không qua nhập kho) cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp (Giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 331, 141, 111, 112,…
– Trường hợp mua nguyên liệu, vật liệu sử dụng (Không qua nhập kho) sử dụng ngay cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, ghi:
Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp (Giá mua có thuế GTGT)
Có các TK 331, 141, 111, 112,…
– Trường hợp số nguyên liệu, vật liệu xuất ra không sử dụng hết vào hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ cuối kỳ nhập lại kho, ghi:
Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
– Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ vật liệu tính cho từng đối tượng sử dụng nguyên liệu, vật liệu (Phân xưởng sản xuất sản phẩm, loại sản phẩm, công trình, hạng mục công trình của hoạt động xây lắp, loại dịch vụ,…) theo phương pháp trực tiếp hoặc phân bổ, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (Trường hợp hạch toán định kỳ tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường)
Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
2. Chi phí nhân công trực tiếp
2.1. Gồm tiền lương, phụ cấp của công nhân trực tiếp tham gia công tác thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, gồm:
– Tiền lương chính của công nhân trực tiếp thi công xây lắp kể cả công nhân phụ, công nhân chính như công nhân mộc, công nhân nề, công nhân xây, công nhân uốn sắt, công nhân trộn bê tông,…; Công nhân phụ như: Công nhân khuân vác máy móc thi công, tháo dỡ ván khuôn dàn giáo, lau chùi thiết bị trước khi lắp đặt, cạo rỉ sắt thép, nhúng gạch,…
– Các khoản phụ cấp theo lương như phụ cấp làm đêm, Thêm giờ, phụ cấp trách nhiệm, chức vụ, phụ cấp công trường, phụ cấp khu vực, phụ cấp nóng độc hại,…
– Tiền lương phụ của công nhân trực tiếp thi công xây lắp.
– Ngoài các khoản tiền lương và phụ cấp của công nhân trực tiếp tham gia công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị thuộc biên chế quản lý của Doanh nghiệp xây lắp, khoản mục chi phí nhân công trực tiếp còn bao gồm khoản phải trả cho lao động thuê ngoài theo từng loại công việc. Khoản mục chi phí nhân công trực tiếp không bao gồm tiền lương của công nhân khi vận chuyển vật liệu ngoài cự ly công trường, lương nhân viên thu mua bảo quản bốc dỡ vật liệu trước khi đến kho công trường, lương công nhân tát nước vét bùn khi thi công gặp trời mưa hay mạch nước ngầm và tiền lương của các bộ phận khác (Sản xuất phụ, xây lắp phụ, nhân viên bảo vệ, quản lý,…).
– Mặt khác, chi phí nhân công trực tiếp cũng không bao gồm khoản trích BHXH, BHYT, KPCĐ theo tỷ lệ quy định tính trên tiền lương phải trả của công nhân trực tiếp thi công xây lắp.
– Chi phí nhân công trực tiếp cũng không tính tiền ăn giữa ca của công nhân viên trực tiếp xây lắp. Các khoản này được tính vào khoản mục chi phí sản xuất chung.
– Trong trường hợp trong Doanh nghiệp xây lắp có các hoạt động khác mang tính chất công nghiệp hoặc cung cấp dịch vụ thì vẫn được tính vào khoản mục chi phí nhân công trực tiếp.
2.2. Cách hạch toán chi phí các nghiệp vụ liên quan đến chi phí nhân công trực tiếp: TK 622
– Căn cứ vào Bảng phân bổ tiền lương, ghi nhận số tiền lương, tiền công và các khoản khác phải trả cho nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, ghi:
Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 334 – Phải trả người lao động
– Tính, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ (Phần tính vào chi phí Doanh nghiệp phải chịu) trên số tiền lương, tiền công phải trả theo chế độ quy định, ghi:
Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (TK 3382, 3383, 3384)
– Khi trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất, ghi:
Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 335 – Chi phí phải trả
– Khi công nhân sản xuất thực tế nghỉ phép, kế toán phản ánh số phải trả về tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất, ghi:
Nợ TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 334 – Phải trả người lao động
– Cuối kỳ kế toán, tính phân bổ và kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp vào bên Nợ TK 154 hoặc bên Nợ TK 631 theo đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang; hoặc
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (Kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Phần chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường)
Có TK 622 – Chi phí nhân công trực tiếp.
3. Chi phí sử dụng máy thi công
3.1. Đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện việc xây lắp theo phương thức thi công hỗn hợp, vừa thi công bằng thủ công vừa kết hợp thi công bằng máy, trong giá thành xây lắp còn có khoản mục chi phí sử dụng máy thi công.
3.2. Chi phí sử dụng máy thi công gồm hai loại chi phí là chi phí thường xuyên và chi phí tạm thời.
– Chi phí thường xuyên gồm: Các chi phí xảy ra hàng ngày một cách thường xuyên cho quá trình sử dụng máy thi công như chi phí về nhiên liệu, dầu mỡ, các chi phí vật liệu phụ khác; Tiền lương của công nhân điều khiển và công nhân phục vụ máy thi công; Tiền khấu hao TSCĐ là xe máy thi công; Các chi phí về thuê máy, chi phí sửa chữa thường xuyên xe máy thi công.
– Chi phí tạm thời là những chi phí phát sinh một lần có liên quan đến việc lắp, tháo, vận chuyển, di chuyển máy và các khoản chi phí về những công trình tạm phục vụ cho việc sử dụng máy thi công như lán che máy ở công trường, bệ để máy ở khu vực thi công.
3.3. Các chi thường xuyên được tính trực tiếp một lần vào chi phí sử dụng máy thi công trong kỳ còn chi phí tạm thời không hạch toán một lần vào chi phí sử dụng máy thi công mà được tính phân bổ dần theo thời gian sử dụng các công trình tạm hoặc theo thời gian thi công trên công trường (Thời gian nào ngắn hơn sẽ được chọn làm tiêu thức để phân bổ). Xác định số phân bổ hàng tháng như sau:
– Chi phí tạm thời cũng có thể được tiến hành trích trước vào chi phí sử dụng máy thi công. Khi sử dụng xong công trình tạm, số chênh lệch giữa chi phí thực tế phát sinh với chi phí trích trước được xử lý theo quy định.
– Chi phí sử dụng máy thi công không bao gồm khoản trích BHXH, BHYT, KPCĐ theo tỷ lệ quy định trên tiền lương của công nhân điều khiển máy thi công; Khoản này được tính vào chi phí sản xuất chung. Chi phí sử dụng máy thi công cũng không bao gồm các khoản sau: Lương công nhân vận chuyển, phân phối vật liệu cho máy; Vật liệu là đối tượng chế biến của máy, các chi phí xảy ra trong quá trình máy ngừng sản xuất, các chi phí lắp đặt lần đầu cho máy móc thi công, chi phí sử dụng máy móc thiết bị khác và các chi phí có tính chất quản lý, phục vụ chung.
– Trường hợp doanh nghiệp thi công toàn bằng thủ công hoặc thi công toàn bằng máy, các chi phí phát sinh không đưa vào khoản mục chi phí sử dụng máy thi công mà được tập hợp vào các khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung.
3.4. Cách hạch toán chi phí sử dụng máy thi công: TK 623
Hạch toán chi phí sử dụng xe, máy thi công phụ thuộc vào hình thức sử dụng máy thi công: Tổ chức đội máy thi công riêng chuyên thực hiện các khối lượng thi công bằng máy hoặc giao máy thi công cho các đội, xí nghiệp xây lắp.
3.4.1. Nếu tổ chức đội xe, máy thi công riêng, phân cấp hạch toán và có tổ chức hạch toán kế toán riêng, thì công việc kế toán được tiến hành như sau:
– Hạch toán các chi phí liên quan tới hoạt động của đội xe, máy thi công, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627
Có các TK 111, 112, 152, 331, 334, 214,…
– Hạch toán chi phí sử dụng xe, máy và tính giá thành ca xe, máy thực hiện trên Tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang”; Căn cứ vào giá thành ca máy (Theo giá thành thực tế hoặc giá khoán nội bộ) cung cấp cho các đối tượng xây, lắp (Công trình, hạng mục công trình); Tùy theo phương thức tổ chức công tác kế toán và mối quan hệ giữa Đội xe máy thi công với đơn vị xây lắp công trình để ghi sổ:
+ Nếu doanh nghiệp thức hiện theo phương thức cung cấp dịch vụ xe, máy lẫn nhau giữa các bộ phận, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6238 – Chi phí bằng tiền khác)
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang
+ Nếu doanh nghiệp thực hiện theo phương thức bán dịch vụ xe, máy lẫn nhau giữa các bộ phận trong nội bộ, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6238 – Chi phí bằng tiền khác)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (TK 1331) (Nếu có)
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (TK 33311) (Xác định thuế GTGT phải nộp tính trên giá bán nội bộ về ca xe, máy bán dịch vụ)
Có TK 512 – Doanh thu nội bộ.
3.4.2. Nếu không tổ chức Đội xe, máy thi công riêng; Hoặc có tổ chức Đội xe, máy thi công riêng nhưng không tổ chức kế toán riêng cho Đội thì toàn bộ chi phí sử dụng xe, máy (Kể cả chi phí thường xuyên và chi phí tạm thời như: Phụ cấp lương, phụ cấp lưu động của xe, máy thi công) sẽ hạch toán như sau:
– Căn cứ vào số tiền lương, tiền công và các khoản khác phải trả cho công nhân điều khiển xe, máy, phục vụ xe, máy, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6231 – Chi phí nhân công)
Có TK 334 – Phải trả người lao động
– Khi xuất kho vật liệu, công cụ, dụng cụ sử dụng cho hoạt động của xe, máy thi công trong kỳ, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6232 – Chi phí vật liệu)
Có các TK 152, 153
– Trường hợp mua vật liệu, công cụ sử dụng ngay (Không qua nhập kho) cho hoạt động của xe, máy thi công trong kỳ, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6232 – Chi phí vật liệu) (Giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 331, 111, 112,…
– Trích khấu hao xe, máy thi công sử dụng ở Đội xe, máy thi công, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6234 – Chi phí khấu hao máy thi công)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ
– Chi phí dịch vụ mua ngoài phát sinh (Sửa chữa xe, máy thi công, điện, nước, tiền thuê TSCĐ, chi phí trả cho nhà thầu phụ,…), ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6237 – Chi phí dịch vụ mua ngoài)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 111, 112, 331,…
– Chi phí bằng tiền khác phát sinh, ghi:
Nợ TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công (TK 6238 – Chi phí bằng tiền khác)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 111, 112,…
– Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sử dụng xe, máy (Chi phí thực tế ca xe, máy) tính cho từng công trình, hạng mục công trình, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang (Khoản mục chi phí sử dụng máy thi công)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (Phần chi phí sử dụng máy thi công vượt trên mức bình thường)
Có TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công
4. Chi phí sản xuất chung
4.1.. Chi phí sản xuất chung là các chi phí trực tiếp khác (Ngoài chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sử dụng máy thi công) và các chi phí về tổ chức, quản lý phục vụ sản xuất xây lắp, các chi phí có tính chất chung cho hoạt động xây lắp gắn liền với từng đơn vị thi công như tổ, đội, công trường thi công. Chi phí sản xuất chung gồm các khoản chi phí như sau:
– Chi phí nhân viên phân xưởng: Gồm tiền lương chính, lương phụ, phụ cấp lương, phụ cấp lưu động phải trả cho nhân viên quản lý đội xây dựng, tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý đội xây dựng và của công nhân xây lắp; Khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả của công nhân trực tiếp xây lắp, nhân viên sử dụng máy thi công và nhân viên quản lý đội thuộc biên chế của doanh nghiệp.
Ngoài khoản chi phí của nhân viên quản lý công trường, kế toán, thống kê, kho, vệ sinh,… của công trường, chi phí nhân viên phân xưởng còn bao gồm tiền công vận chuyển vật liệu ngoài cự ly thi công do mặt bằng thi công chật hẹp, công tát nước vét bùn khi trời mưa hoặc gặp mạch nước ngầm,…
– Chi phí vật liệu gồm chi phí vật liệu cho đội xây dựng như vật liệu dùng để sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ, công cụ dụng cụ thuộc đội xây dựng quản lý và sử dụng, chi phí lán trại tạm thời.
Trường hợp vật liệu mua ngoài xuất thẳng cho đội xây dựng, nếu doanh nghiệp được khấu trừ thuế thì chi phí vật liệu không bao gồm thuế GTGT đầu vào.
– Chi phí dụng cụ sản xuất xây lắp gồm các chi phí về công cụ dụng cụ dùng cho thi công như cuốc xẻng, dụng cụ cầm tay, xe đẩy, đà giáo, ván khuôn và các loại công cụ dụng cụ khác dùng cho sản xuất và quản lý của đội xây dựng. Chi phí dụng cụ sản xuất xây lắp không bao gồm thuế GTGT đầu vào nếu doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phươngp háp khấu trừ thuế.
– Chi phí khấu hao TSCĐ gồm chi phí khấu hao TSCĐ dùng chung cho hoạt động của đội xây dựng.
Trong trường hợp doanh nghiệp tổ chức thi công hỗn hợp vừa bằng thủ công vừa bằng máy, khoản chi phí khấu hao máy móc thi công được tính vào chi phí sử dụng máy thi công chứ không tính vào chi phí sản xuất chung.
4.2. Cách hạch toán các nghiệp vụ liên quan đến chi phí sản xuất chung: TK 627
* Khi tính tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên của phân xưởng; Tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6271)
Có TK 334 – Phải trả người lao động.
* Khi trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng, bộ phận, đội sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6271)
Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (TK 3382, 3383, 3384)
* Kế toán chi phí nguyên liệu, vật liệu xuất dùng cho phân xưởng (Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên):
– Khi xuất vật liệu dùng chung cho phân xưởng, như sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ dùng cho quản lý điều hành hoạt động của phân xưởng, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6272)
Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu
– Khi xuất công cụ, dụng cụ sản xuất có tổng giá trị nhỏ sử dụng cho phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, căn cứ vào phiếu xuất kho, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6273)
Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
– Khi xuất công cụ, dụng cụ sản xuất có tổng giá trị lớn sử dụng cho phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, căn cứ vào phiếu xuất kho, ghi:
Nợ các TK 142, 242
Có TK 153 – Công cụ, dụng cụ
– Khi phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ vào chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6273)
Có TK 142 – Chi phí trả trước ngắn hạn
Có TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn
* Trích khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất,… thuộc phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, đội, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6274)
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ
* Chi phí điện, nước, điện thoại,… thuộc phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6278)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 111, 112, 331,…
* Trường hợp sử dụng phương pháp trích trước hoặc phân bổ dần số đã chi về chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thuộc phân xưởng, tính vào chi phí sản xuất chung:
– Khi trích trước hoặc phân bổ dần số đã chi về chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (TK 6273)
Có các TK 335, 142, 242
– Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 2413 – Sửa chữa lớn TSCĐ
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 331, 111, 112,…
– Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ hoàn thành, ghi:
Nợ các TK 142, 242, 335
Có TK 2413 – Sửa chữa lớn TSCĐ
* Trường hợp doanh nghiệp có TSCĐ cho thuê hoạt động, khi phát sinh chi phí liên quan đến TSCĐ cho thuê hoạt động:
– Khi phát sinh các chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 627- Chi phí sản xuất chung (Nếu phát sinh nhỏ ghi nhận ngay vào chi phí trong kỳ)
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
– Định kỳ, tính, trích khấu hao TSCĐ cho thuê hoạt động vào chi phí SXKD, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
Có TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Hao mòn TSCĐ cho thuê hoạt động)
– Định kỳ, phân bổ số chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến cho thuê hoạt động (Nếu phân bổ dần) phù hợp với việc ghi nhận doanh thu cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
Có TK 242- Chi phí trả trước
* Doanh nghiệp xây lắp, khi xác định số dự phòng phải trả về bảo hành công trình, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
Có TK 335 – Chi phí phải trả
– Khi phát sinh chi phí sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 623, 627
Có các TK 111, 112, 152, 214, 334,…
– Cuối kỳ, kết chuyển chi phí sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang
Có các TK 621, 622, 623, 627
– Khi sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp hoàn thành, ghi:
Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả
Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang
* Cuối kỳ kế toán, xác định lãi tiền vay phải trả và đã trả ngay lãi tiền vay, nếu vay được vốn hóa cho tài sản sản xuất dỡ dang, khi trả lãi tiền vay, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Tài sản đang sản xuất dỡ dang)
Có các TK 111, 112 (Nếu trả lãi vay định kỳ)
* Cuối kỳ kế toán, xác định lãi tiền vay phải trả nhưng chưa trả ngay lãi tiền vay, nếu vay được vốn hóa cho tài sản sản xuất dỡ dang, khi trả lãi tiền vay, ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung (Tài sản đang sản xuất dỡ dang)
Có TK 335 – Chi phí phải trả (Lãi tiền vay phải trả)
* Khi trả trước lãi tiền vay dùng cho sản xuất tài sản dỡ dang, ghi:
Nợ TK 242
Có các TK 111, 112,…
Định kỳ, phân bỗ lãi tiền vay trả trước vào giá trị tài sản sản xuất dỡ dang (Nếu được vốn hóa), ghi:
Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung
Có TK 242
* Nếu phát sinh các khoản giảm chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138,…
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung
* Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sản xuất chung để kết chuyển hoặc phân bổ chi phí sản xuất chung vào các Tài khoản có liên quan cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ theo tiêu thức phù hợp:
– Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên, cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 – Giá vốn bán hàng (Chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ)
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung
– Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ, cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất
Nợ TK 632 – Giá vốn bán hàng (Chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ)
Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.
Nguồn sưu tầm.
Trung tâm đào đạo kế toán AST địa điểm học kế toán tại Thanh Hóa uy tín chuyên cung cấp dịch vụ kế toán, đào tạo nghiệp vụ kế toán, đi từ cơ bản đến nâng cao qua các khóa học đào tạo
Liên hệ với chúng tôi qua hotline hoặc Fanpage